Neubrutalism là xu hướng mới trong thiết kế giao diện người dùng
Neubrutalism đang là cái tên nổi lên vài năm trở lại đây khi phong cách này xuất hiện trên nhiều sản phẩm từ thiết kế đồ họa đến giao diện người dùng các ứng dụng/ trang web.
Cuộc cách mạng đổi mới
Nếu như vào năm 2007, khi Apple giới thiệu iOS với phong cách mô phỏng và sau đó là Flat Design của Google, Windows... cuộc cách mạng ngôn ngữ và phong cách thiết kế đã không thực sự có nhiều thay đổi suốt từ đó đến nay.
Theo cây viết Michał Malewicz từ Hype4, con người thường cảm thấy nhàm chán với giao diện của ứng dụng/ trang web sau khoảng thời gian 6 đến 7 năm và kể từ khi Flat Design ra mắt vào năm 2013, hầu hết các hệ điều hành đến từ các công ty lớn của ngành công nghệ toàn cầu đều đi theo xu hướng này. Vì thế, giờ là lúc một phong cách mới cần lên ngôi để mang đến làn sóng mới cho ngành công nghiệp này.
Các dạng bo góc, thang màu xám, lớp đổ bóng nhẹ nhàng đã xuất hiện đối với hầu hết các ngôn ngữ thiết kế hiện nay. Trong khi đó, Glassmorphism (hiệu ứng giả kính) cũng được thêm vào như một dấu ấn đồ họa giúp tăng khả năng thị giác cũng như tạo sự khác biệt.
Trong khoảng thời gian đó, Neumorphism cũng đã được một số nhà thiết kế vận dụng nhằm mang đến trải nghiệm vừa cổ điển vừa mới lạ tuy nhiên chưa có phong cách nào đủ mạnh mẽ để tạo thành một cuộc cách mạng mang tính đột phá.
Dẫu vậy, hãy nhìn vào giao diện trang web của Figma và gần đây là những bài thuyết trình trong sự kiện Google I/O, trang giới thiệu Google Doodles, trang trò chơi Search Playground, trang blog của Instagram, website của Gumroad... bạn sẽ nhận thấy sự trỗi dậy nổi bật của Neubrutalism và điều này được dự đoán là dấu hiệu đầu tiên của cuộc cách mạng phong cách mới cho lĩnh vực thiết kế trải nghiệm người dùng trong tương lai.
Neubrutalism, như tên gọi là một sự kế thừa của Brutalism, chủ nghĩa thô mộc trong kiến trúc. Ở đó các hình khối đột phá, không tuân thủ quy ước thông thường với lớp vật liệu thô giáp và cứng cáp mang đến trải nghiệm độc đáo, khác biệt.
Xuất hiện từ những năm giữa thế kỷ 20, Brutalism là lời tuyên ngôn cho sự đổi mới, một cuộc cách mạng chống lại những phong cách kiến trúc trước đây vốn đề cao sự mềm mại, chau chuốt và tỉ mỉ, để mang đến một cái nhìn mới, trân thành và hướng đến bản chất thật, công năng sử dụng tuyệt đối nhiều hơn là lối duy mĩ cổ điển.
Chính vì lẽ đó, Neubrutalism được kỳ vọng sẽ lặp lại lớp kỳ tích đáng ngưỡng mộ đó để mang lại làn gió mới cho giao diện người dùng trong tương lai.
Những ưu điểm của Neubrutalism
Neubrutalism được sử dụng nhiều hơn chắc chắn không chỉ bởi vẻ ngoài thẩm mỹ đặc biệt của mình, mà nó còn mang đến nhiều lợi ích cho trải nghiệm.
Khả năng tương phản
Neubrutalism mạnh dạn sử dụng các màu sắc gốc, ngay cả với lớp màu đen thuần (#000000), phong cách này cũng không ngại ngần thêm vào để tăng cường hiệu ứng thị giác. Các giao diện sử dụng Neubrutalism thường có độ tương phản cực kỳ rõ nét, đảm bảo khả năng nhìn và đọc một cách nhanh chóng.
Không giống như Flat Design, thang màu của Neubrutalism thường loại bỏ các hiệu ứng đổ bóng mờ nhạt để tiến đến các lớp đậm hơn, rõ ràng hơn. Hệ thống màu xám kinh điển không có chỗ đứng trong phong cách này, càng làm tăng thêm giá trị tương phản cho thiết kế trải nghiệm.
Do khả năng nhìn của con người đang ngày càng giảm sút bởi môi trường sống, thời gian tương tác với các loại màn hình điện tử... vì thế việc đảm bảo khả năng tương phản cao của thiết kế cũng giúp Neubrutalism ghi điểm ở thời đại hiện tại.
Ngoài ra, việc sử dụng các khối văn bản có kích thước lớn, dày thông tin cũng là ưu điểm đặc biệt giúp phong cách thiết kế này thu hút người dùng trẻ, những người thường xuyên có thói quen lướt nhiều nội dung trên cùng một lần tải trang thay vì tiếp tục đào sâu để khám phá thêm các chi tiết quan trọng ở lớp bên dưới.
Bố cục đột phá
Neubrutalism không quy ước việc sắp xếp các thiết kế theo một bố cục nhất định. Các chi tiết có thể xuất hiện rải rác ở khắp nơi trên màn hình và mang đến những kiểu đặt để thú vị, mới lạ dành cho người làm sáng tạo.
Đồng thời, nhờ sự phát triển của các ngôn ngữ lập trình ngày nay, Neubrutalism đi kèm với hiệu ứng chuyển động mượt mà chắc chắn là một trải nghiệm đáng giá, mới lạ và có cá tính, phù hợp với những thương hiệu mới cần khẳng định giá trị khác biệt trên thị trường.
Phong cách thiết kế này cũng sử dụng các hình khối góc cạnh như các hình vuông mạnh mẽ, hình tròn, đường viền lớn... nhằm làm tăng cường đường biên giữa các đối tượng cũng như nổi bật một vài chi tiết quan trọng. Nhà thiết kế có mọi cơ hội để thể hiện sự sáng tạo của mình nhằm mang đến khả năng hiển thị phù hợp với nội dung mà họ cần truyền tải.
Màu sắc trẻ trung
Lớp màu sắc trong các ngôn ngữ thiết kế giao diện trước đây thường rất tiết kiệm với quy tắc sử dụng ít màu nổi bật trên một màn hình để tránh làm xao nhãng. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ thay đổi nếu bạn sử dụng Neubrutalism cho sản phẩm thiết kế của mình.
Nếu bạn thích sự nổi bật, hãy thoải mái dùng nhiều hơn 5 màu trong cùng một màn hình thiết kế và điều này là lý do khiến Neubrutalism thực sự phù hợp với thế hệ người dùng trẻ ưa thích sự đa dạng hiện nay. Ngoài ra, phong cách này cũng cho phép sử dụng các lớp màu vốn từng bị coi là "cấm kỵ" trong giao diện như đỏ-xanh cũng như các lớp màu nóng trên nền lạnh hơn và ngược lại...
Với những ưu điểm và đột phá kể trên, Neubrutalism đang nhận rất nhiều kỳ vọng có thể trở thành làn sóng tiếp theo, kế cận Flat Design và Minimalism để trở thành một cuộc cách mạng với mục tiêu xóa bỏ sự nhàm chán và rập khuôn của giao diện người dùng hiện nay.
Bài viết bạn đang truy cập chỉ dành cho người dùng đã đăng nhập tài khoản!
Interfase là một dự án thuộc Cinematone Network. Bạn hiện có thể sử dụng tài khoản Google đã cấp quyền thông qua Cinematone để đăng nhập trang web này!
Trang web chỉ ghi nhận dữ liệu của bạn và cam kết không cung cấp cho bên thứ ba. Vui lòng đọc chính sách dữ liệu để tìm hiểu thêm.
Bài viết liên quan
Phát triển bởi Cinematone.info. Vận hành bởi Interfase.info.