Sự phát triển của giao diện đồ họa người dùng trên các thế hệ Windows
Windows 1.0
Windows lần đầu tiên được ra mắt với phiên bản có giao diện đồ họa người dùng. Hệ điều hành này phát triển khái niệm cửa sổ có khả năng xếp chồng lên nhau và các menu bên dưới thanh tiêu đề. Ngôn ngữ thiết kế này phẳng và ít chi tiết đồ họa, chủ yếu hiển thị các văn bản để phù hợp với giới hạn phần cứng ở thời điểm đó.
Windows 3.0
Giao diện trên Windows 3.0 có bước phát triển lớn với việc đưa các đối tượng vào trong một không gian có các lớp tương tự 3 chiều thay vì phẳng hoàn toàn như trước đây. Nó bắt đầu xuất hiện các thuộc tính đổ bóng khiến cho thiết kế trở nên nổi bật hơn trong không gian và được cho là kế thừa ngôn ngữ thiết kế từ giao diện Presentation Manager do IBM và Microsoft phát triển trước đó vào năm 1988.
Windows 95 - The Shell
The Shell là tên gọi không chính thức của ngôn ngữ thiết kế trên phiên bản Windows 95. Phong cách này tương đối cứng cáp với ít chi tiết đồ họa và là bản kế thừa từ Windows 3.0 trước đó với các nút bấm chứa hiệu ứng nổi bật.
Ở phiên bản này, Windows làm mới màn hình nền với việc đưa các liên kết (Shortcut) đến ứng dụng hay tệp tin ra ngoài thay vì hiển thị các ứng dụng đang chạy (như ở Windows 3.0 trước đây). Thanh tác vụ bên dưới màn hình xuất hiện gọi nhớ đến cách thức hoạt động của Mac OS.
Menu Start (Bắt đầu) đặc trưng của Windows cũng được giới thiệu lần đầu tiên ở phiên bản này và hiện vẫn là một thành phần quan trọng giúp người sử dụng tương tác và điều hướng trong hệ điều hành. Các biểu trưng hệ thống cũng được thiết kế với phong cách nổi khối đẹp mắt và chi tiết hơn trước rất nhiều.
Ngôn ngữ thiết kế này tiếp tục được duy trì trong các phiên bản tiếp theo của Windows bao gồm NT 4.0, 98, 2000, Windows Me.
Windows XP
Không có tên gọi chính thức cho ngôn ngữ thiết kế được Microsoft sử dụng trong Windows XP nhưng đây được đánh giá là một trong những cuộc đại tu lớn nhất lịch sử hệ điều hành này. Với sự phát triển của các nhân xử lý đồ họa, Windows XP mang đến nhiều màu sắc hơn cùng với các thiết kế nổi khối ấn tượng.
Hiệu ứng đổ bóng, hình minh họa, biểu tượng 3D xuất hiện khắp nơi đồng thời màu xanh cũng được sử dụng để thay thế cho các khối xám đơn điệu ở những phiên bản Windows trước. Các phím bấm được thiết kế để dễ dàng nhận diện hơn cả về kích thước lẫn vị trí và màu sắc.
Sự phát triển của Windows ở thời điểm này tuy có nhiều nét tương đồng với Mac OS X Public Beta ra mắt trước đó hơn 1 năm tuy nhiên có phần rực rỡ và ấn tượng hơn nhờ việc đưa vào nhiều thành phần đồ họa và màu sắc bắt mắt.
Windows XP cũng cho phép người dùng tùy chỉnh giao diện hệ thống với nhiều mẫu chủ đề khác nhau, nhằm mang đến trải nghiệm cá nhân hóa cao hơn.
Windows Aero
Kể từ Windows Vista, Microsoft bắt đầu gọi tên các ngôn ngữ thiết kế của hãng và Aero là đầu tiên trong số đó. Sự khác biệt lớn nhất của Aero so với các ngôn ngữ trước đó là việc phong cách này đưa vào sự dụng loại vật liệu "kính" cho phép thanh tiêu đề cửa sổ có thể hiển thị đẹp mắt hơn nhờ hiệu ứng trong suốt và làm mờ nền phía sau.
Aero cũng tiết giảm nhiều màu sắc của các nút bấm, bo tròn các góc cửa sổ cùng phần đường viền mỏng, thay đổi hiệu ứng đổ bóng cũng như giới thiệu một kiểu chữ độc quyền, mặc định mới có tên Segoe UI đẹp mắt. Ngôn ngữ này có nhiều ảnh hưởng từ Skeuomorphism, và được sử dụng cho đến hết Windows 7 sau này.
Metro (sau là Microsoft Design Language)
Microsoft giới thiệu Metro lần đầu tiên cùng với Windows 8. Ngôn ngữ này ra mắt trong thời điểm các thiết kế phẳng trở nên thịnh hành và được yêu thích. Tuy nhiên, khác với các thế hệ trước, Metro mang đến một cái nhìn hoàn toàn mới và khác biệt, thay đổi gần như sâu rộng không chỉ giao diện người dùng mà cả trải nghiệm hệ thống của Windows.
Metro được cho là xây dựng dựa trên phong cách Swiss Design với việc tiết giảm hầu hết các yếu tố minh họa, truyền tải tính năng chủ yếu thông qua các câu từ và màu sắc. Ngôn ngữ này phát triển các khối (block) động đặc trưng chứa thông tin kết hợp cùng phần văn bản lớn hơn, chiếm nhiều không gian cũng cũng như loại bỏ các thuộc tính bo góc, đổ bóng, trong suốt trước đây của Aero... khiến thiết kế trở nên cứng cáp và góc cạnh.
Sự chuyển đổi hoàn toàn và mạnh mẽ từ Aero sang Metro gây ra nhiều tranh cãi. Dù các chuyên gia thiết kế đánh giá cao sự sáng tạo và đột phá của Metro tuy nhiên dưới góc độ người dùng, ngôn ngữ này khó có thể được ghi nhận là thân thiện, đặc biệt khi cùng thời điểm Mac OS X đang phát huy được tính hữu dụng nhưng vẫn đảm bảo tiêu chuẩn thẩm mỹ ấn tượng với ngôn ngữ Aqua của mình.
Việc thay đổi toàn bộ menu Start sang dạng khối xếp sát cạnh nhau và đưa vào môi trường toàn màn hình tạo ra một trải nghiệm gây tranh cãi hàng đầu. Sau đó Microsoft đã phải thu gọn lại trong bản cập nhật 8.1 sau đó nhằm đưa giao diện này trở về quen thuộc hơn với người sử dụng.
Metro vẫn được sử dụng cho đến tận Windows 10 và đây cũng là ngôn ngữ thiết kế đầu tiên của Microsoft được phát triển thêm cho các môi trường khác bao gồm cả Web và phiên bản hệ điều hành dành cho di động.
Fluent Design
Ngôn ngữ này được giới thiệu vào năm 2017 với mục tiêu chính là đưa giao diện Windows trở nên gần gũi và thân thiện hơn với người sử dụng, vốn đang rất quen thuộc với các giao diện gọn nhẹ và trực quan của các hệ điều hành di động.
Fluent Design không chỉ tập trung khắc phục các nhược điểm của Metro mà còn xây dựng được các hệ thống thiết kế chi tiết và mở rộng khả năng hỗ trợ đối với các nhà phát triển. Ngôn ngữ này là một bản kết hợp giữa Aero và Metro khi vừa mang đến sự mềm mại, đẹp mắt nhưng vẫn giữ được sự tối giản và trực quan của Metro. Fluent Design mang trở lại các vật liệu mờ của Aetro với một nâng cấp lớn hơn, các góc bo vừa phải, màu sắc biểu tượng phong phú đồng thời phát triển các hiệu ứng phản hồi thị giác đặc biệt.
Ngay từ khi ra mắt, Fluent Design đã nhận được nhiều sự đánh giá tích cực từ cả người dùng lẫn các chuyên gia. Microsoft đã đầu tư cải thiện sâu rộng các thành phần đồ họa người dùng nhằm tạo nên một ngôn ngữ "trôi chảy" và liền mạch giống như đúng tên gọi của dự án.
Bài viết liên quan
Phát triển bởi Cinematone.info. Vận hành bởi Interfase.info.