Trong bối cảnh thời gian truy cập các ứng dụng/ trang web ngày một tăng cao cùng với việc con người sử dụng các thiết bị điện tử có giao diện đồ họa phục vụ cho hầu hết các lĩnh vực của đời sống từ vui chơi giải trí đến công việc hàng ngày... việc thiết kế một trải nghiệm dễ dùng trở nên tối quan trọng và luôn là yêu cầu xem xét hàng đầu quyết định thành công của một ứng dụng hay trang web.
Không giống như thời điểm mười năm trước, khi các nhà thiết kế dường như mơ hồ với khái niệm và các quy chuẩn trong việc xây dựng một giao diện cho người dùng. Ở thời điểm đó, không chỉ thiếu các tài liệu tham chiếu mà ngay cả việc hạn chế trong công nghệ, độ phổ biến của các thiết bị, khả năng tiếp nhận phản hồi... khiến cho quá trình thiết kế gặp nhiều khó khăn.
Dẫu vậy, trong các năm trở lại đây, khi các hãng công nghệ hàng đầu lần lượt xây dựng và ra mắt ngôn ngữ thiết kế của riêng họ, một số tiêu chuẩn nhất định đã được thiết lập trong ngành và giúp tạo điều kiện cho các nhà sáng tạo có cơ hội tiếp cận, phát triển những sản phẩm một cách nhanh chóng, hướng đến thói quen và trải nghiệm của người dùng.
Tuy nhiên, việc định nghĩa một trải nghiệm thế nào là dễ sử dụng vẫn đặt ra câu hỏi chưa có đáp án chính xác. Dẫu vậy, những quan điểm dưới đây là dựa trên quan điểm cá nhân của người viết, có được từ thời gian dài làm việc trong lĩnh vực thiết kế giao diện.
1. Dễ nhìn
Sự dễ nhìn được hiểu là các đối tượng (văn bản, hình ảnh, nút bấm...) được phân biệt rõ ràng với nhau. Người sử dụng tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, mạch lạch, không bị hiểu nhầm, không bị bỏ sót... Các phần thông tin quan trọng cần được làm nổi bật, tách biệt so với những thông tin phụ trợ...
Ngoài ra, giao diện dễ nhìn cũng cần đáp ứng được tính hợp thời. màu sắc, độ tương phản cần tránh việc gây khó chịu trong thời gian sử dụng lâu dài, khoảng cách, kích thước được căn chỉnh hợp lý, ngay ngắn và rõ ràng...
Ngoài ra cũng cần lưu ý đến khả năng tiếp cận của nhóm người dùng đặc biệt như người già, trẻ nhỏ hoặc người có thị lực kém, khó phân biệt màu sắc...
2. Dễ hiểu
Để đảm bảo tính dễ hiểu, giao diện cần bám sát các yêu cầu của ngôn ngữ thiết kế của giao diện hệ điều hành mà thiết bị sử dụng, của các mô hình vận hành/ nền tảng có chức năng tương tự... Tính dễ hiểu cũng được định nghĩa là sự quen thuộc trong trải nghiệm.
Ví dụ, với người dùng iOS, khi có một Alerts (cảnh báo) xuất hiện trên màn hình với hai lựa chọn, thông thường lựa chọn bên trái sẽ là hủy bỏ hoặc không đồng ý trong khi phía bên phải mang ý cho phép/ tiếp tục hoặc đồng ý. Vì thế, để đảm bảo sự quen thuộc và dễ hiểu, các giao diện nên giữ nguyên các thuộc tính này và bố trí ngữ cảnh phù hợp nhằm giúp người dùng không mất quá nhiều thời gian để tìm hiểu ngữ cảnh cũng như tránh gặp phải các lựa chọn sai.
Hay với các màu sắc, đối tượng mặc định được sử dụng trong thiết kế cũng cần đảm bảo sự đồng nhất, phản ánh đúng tính chất và tuân theo các nguyên tắc sử dụng cơ bản và tự nhiên đã có từ trước.
Ngoài ra, các câu văn, hình ảnh minh họa... cũng cần được thiết kế một cách ngắn gọn, mạch lạc, loại bỏ các từ ngữ gây hiểu nhầm, từ chuyên ngành, kém phổ biến...
3. Dễ điều hướng
Việc điều hướng trong thiết kế giao diện ngày nay và yếu tố quan trọng để giữ chân người sử dụng ở lại lâu hơn với ứng dụng/ trang web. Việc sắp xếp các vị trí dễ tiếp cận, cung cấp thêm thông tin bổ sung, dễ dàng tìm thấy lối thoát, điểm tiến - lui hay khả năng tìm kiếm, khám phá nhanh chóng... cũng là yếu tố giúp đánh giá khả năng điều hướng của giao diện.
Việc dễ diều hướng thường gắn liền với hai yêu cầu kể trên. Chỉ khi giao diện đạt được sự dễ nhìn và tính quen thuộc, người dùng mới có thể điều hướng một cách đơn giản, mượt mà, chính xác.
Khả năng dễ diều hướng cũng thường do phần nội dung hay tính năng mà dịch vụ/ nền tảng cung cấp cho khách hàng. Chỉ khi đạt được nhu cầu tiếp cận thông tin, người dùng mới tiếp tục sử dụng ứng dụng cũng như trang web.
Trên đây là 3 yếu tố cơ bản theo Interfase là cần thiết và quan trọng để giúp tạo nên một giao diện dễ sử dụng. Và để thực sự làm nên một thiết kế ấn tượng, đảm bảo được cả tính thẩm mỹ và khả năng tiếp cận của người dùng, các nhà thiết kế cần nhiều thời gian không chỉ trong việc nghiên cứu thói quen mà còn cả quá trình điều chỉnh, hướng dẫn cũng như thay đổi từng chút một nhằm đáp ứng tệp khách hàng mà họ hướng tới.
Bài viết bạn đang truy cập chỉ dành cho người dùng đã đăng nhập tài khoản!
Interfase là một dự án thuộc Cinematone Network. Bạn hiện có thể sử dụng tài khoản Google đã cấp quyền thông qua Cinematone để đăng nhập trang web này!
Trang web chỉ ghi nhận dữ liệu của bạn và cam kết không cung cấp cho bên thứ ba. Vui lòng đọc chính sách dữ liệu để tìm hiểu thêm.
Bài viết liên quan
Phát triển bởi Cinematone.info. Vận hành bởi Interfase.info.